Qua đời Quảng_Khai_Thổ_Thái_Vương

Vua Quảng Khai Thổ lâm bệnh qua đời năm 413 lúc ông mới 39 tuổi. Mặc dù chết trẻ và chỉ trị vì Cao Câu Ly trong 23 năm, những cuộc chinh phạt của ông được cho là đã đánh dấu một thời kỳ huy hoàng trong lịch sử Triều Tiên. Ngoại trừ thời kì 200 năm được bắt đầu với con trai và cũng là người kế vị ông, vua Trường Thọ, và sau đó là vương quốc Bột Hải, Triều Tiên chưa bao giờ có một lãnh thổ rộng lớn tới mức như vậy. Đã có những bằng chứng chứng minh rằng biên giới phía Tây của Cao Câu Ly vươn tới tận khu vực ngày nay là Mông Cổ, tiếp giáp với khu vực của các bộ tộc Nhu NhiênĐột Quyết. Quảng Khai Thổ còn được ca tụng vì là ông vua đầu tiên đặt niên hiệu trong lịch sử Triều Tiên, hành động này thể hiện thái độ của Quảng Khai Thổ xem các vua Cao Câu Ly có địa vị ngang hàng với các hoàng đế Trung Quốc.

Quảng Khai Thổ được người Triều Tiên xem là người anh hùng vĩ đại nhất trong lịch sử của dân tộc này, và ông thường được xem là hình tượng của chủ nghĩa dân tộc Triều Tiên. Gần đây, dư luận Hàn Quốc đã có những động thái phản đối mạnh mẽ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định xem lịch sử của Cao Câu Ly như là một phần lịch sử Trung Quốc.

Tấm bia Quảng Khai Thổ, một tấm bia được Trường Thọ Thái Vương cho dựng vào năm 414, được một học giả Trung Quốc phát hiện ra ở Mãn Châu vào năm 1875. Tấm bia chứa đựng nhiều tư liệu lịch sử quý giá, nhưng bản thân nó cũng gây ra nhiều tranh cãi về lịch sử. Lý do là trên tấm bia có vài chi tiết liên quan đến Nhật Bản. Những chi tiết này là:

  • năm 391 quân Nhật vượt biển đánh bại Bách Tế, Tân La và buộc hai nước này thần phục.
  • năm 399 liên quân Bách Tế - Nhật Bản xâm lược Tân La và Tân La cầu cứu Cao Câu Ly
  • năm 400 Cao Câu Ly trục quân Nhật ra khỏi Tân La và đẩy họ về nam phần bán đảo Triều Tiên.
  • năm 404 quân đội Nhật Bản bị quân Cao Câu Ly đánh tan tại khu vực phía nam quận Lạc Lãng (gần Bình Nhưỡng ngày nay).

Sự thực về chiến dịch năm 391 trở thành một sự kiện gây tranh cãi lớn vì nội dung ghi trên tấm bia Quảng Khai Thổ không rõ ràng, và nó có đề cập đến sự hiện diện của người Nhật ở bán đảo Triều Tiên vào thế kỷ thứ tư, nhưng những học giả Triều Tiên bác bỏ chuyện này. Và nhiều tác phẩm lịch sử, văn học của Bách Tế và Tân La cũng cho rằng việc này không xảy ra. Phần nhiều các ý kiến cho rằng việc một tấm bia được chế tác nhằm ca ngợi công tích của một vị vua Cao Câu Ly thì khó có thể nào lại nhắc đến một hoạt động quân sự Nhật Bản mà tự bản thân nó ít liên quan tới Cao Câu Ly - nói chung - và vua Quảng Khai Thổ - nói riêng. Đồng thời, khi nhắc đến trình độ khoa học kỹ thuật của Nhật Bản và Triều Tiên vào thời kỳ đó, thì các nhà sử học cho rằng người Nhật không thể nào có khả năng khuất phục Bách Tế, Tân La - các quốc gia có trình độ khoa học kỹ thuật vượt trội hơn. [cần dẫn nguồn]. Những học giả Triều Tiên cho rằng đoạn văn trên phải được hiểu là:

  • năm 391 quân Cao Câu Ly vượt biển đánh bại Bách Tế, Tân La và buộc hai nước này thần phục.

Và vì các cách hiểu khác nhau này có liên quan đến tinh thần dân tộc của mỗi nước, vì vậy hầu như trong trường hợp này cách hiểu của Nhật Bản và Triều Tiên gần như không thể giống nhau. Những bất đồng như thế này đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch viết một quyển sách giáo khoa chung về lịch sử ở Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản.

Gần đây một bộ phim lịch sử mang tên Thái vương tứ thần ký được phát sóng ở Hàn Quốc, với nội dung nói về cuộc đời của Quảng Khai Thổ Thái Vương, vớ diễn viên Bae Yong-jun thủ vai chính. Bộ phim trở thành một "quả bom tấn" tại Hàn Quốc vì hai lý do: sự tham gia của diễn viên chính nổi tiếng Bae Yong-jun cùng với những hiệu ứng hình ảnh ấn tượng thực hiện bởi kỹ thuật vi tính đã kết hợp lịch sử Triều Tiên với truyền thuyết Triều Tiên. Bối cảnh của bộ phim diễn biến từ lúc vua Quảng Khai Thổ sinh ra cho đến giữa thời kỳ trị vì của ông vào khoảng cuối thế kỷ thứ tư. Bộ phim, mặc dù được chiếu rộng rãi ở châu Á, đã bị cấm chiếu ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vì cách nhìn của bộ phim về lịch sử Trung QuốcTriều Tiên có nhiều điểm khác với tư tưởng "một Trung Quốc" của CHND Trung Hoa.

Một di sản khác của Quảng Khai Thổ chính là việc tên ông được đặt cho Tul (틀) của Liên đoàn Taekwondo Quốc tế sáng lập bởi tướng Choi Hong Hi cùng với những điểm sáng tạo khác của phụ tá của ông ta, Nam Tae Hi.